Cái “Sự học” nó có trong mọi lĩnh vực, nhưng tôi chọn Nhiếp ảnh để nói về cái sự học vì tự thân Nhiếp ảnh chứa đựng nhiều yếu tố dễ gây ra tình trạng “cái này tôi biết rồi”.
Đầu tiên tôi phải nói ngay là ‘Sự học” có nghĩa là học trong trường và ngoài trường. Trường hợp của tôi là có mấy năm học ở trường Điện ảnh Việt Nam, có học nhiếp ảnh. Nhưng nhà trường không dạy tôi được điều gì ra hồn. Cái quan trọng, cái sự học cũng giống như người con gái: có thì. Có nghĩa là đúng cái “thì” học của tôi, 22 tuổi . Tôi được ngồi nghe.
Nói tóm lại cái ưu điểm của người được học trong trường chỉ được cái là học đúng “thì” (sau 30 tuổi là lỡ thì) và có thói quen nghe.
Học trong trường có thói quen đó, nhưng thật tuyệt vời cho ai không có điều kiện đi học nhưng lại có thói quen nghe, đó là cách tự học. Theo tôi tự học quan trọng hơn. Ngồi ghế nhà trường chỉ mấy năm còn ta tự học có khi đến ngày xuống lỗ.
Nghĩ lại cái thời tôi đi hoc ( cách 40 năm rồi) thời đói thông tin sao mà khổ thế, muốn học hỏi điều gì phải mày mò, chờ đợi. Ai có được ít tài liệu hay là luôn phiên nhau đọc. Có bộ phim nào mới là dấm dúi nhau xem. Bây giờ khác xưa. Xung quanh ta có một trời tài liệu. Nhất là Google…Vân vân và vân vân. Nhưng tôi lạ nhất một điều, từ lúc đói đến lúc no thông tin, cái sự học cũng không tiến triển là bao. Ảnh của ta vẫn lòe loẹt và giả dối như tạp chí Trung quốc những năm 60. Cái này Hội nghề nghiệp của ta có lỗi. cứ ảnh nào lòe loẹt và giả dối là cho giải thưởng nên mọi người tưởng hay. đua theo chụp kiểu ấy. Tình trạng tự sướng tràn lan (không phải tự sướng chỉ theo nghĩa tự chụp mình) Từ các hội nghề nghiệp, đến các triển lãm này nọ, sướng cứ như lên đồng. Hơi một tý gọi là tác phẩm. Hơi một tý là giải thưởng này nọ. Nhiếp ảnh gia xuất hiện khắp nơi. Dân ta có thói quen tự phong, ai cũng là nghệ sỹ, cứ đeo máy ảnh to tướng vào người là oai rồi. Thôi thì cũng chẳng sao, nhưng nhiếp ảnh cứ đứng ỳ ra, chẳng tiến bộ gì mới là điều đáng nói.
Chúng ta quay lại cái sự học….để tiến bộ.
Theo tôi, trước mắt phải bàn đến hai thói quen dở. Bỏ đi được hai thói quen này sẽ đỡ hơn rất nhiều.
Thói quen dở thứ nhất là: khi chụp ảnh, muốn chụp GIỐNG NGƯỜI TA. Điều này người mới chụp khó nhận ra nhưng khi xếp một số ảnh gần nhau ta sẽ thấy rõ điều đó. Khi chụp ảnh, ai cũng tưởng riêng ta nhìn thấy cảnh này, riêng ta chụp pô này. Ít ai nghĩ trước khi bấm máy, bản thân đã thích thú với ảnh của ai đó, đã thầm ước mình sẽ chụp một bức ảnh như thế. Không ít người nhìn tập ảnh của bạn mới chụp về hỏi luôn: chụp ở đâu? Biết chỗ là xách máy đi. Loại ảnh này thường xảy ra với ảnh phong cảnh. Còn ảnh chụp người cũng vậy. Tôi đã xem hàng loạt những bức ảnh tốt, về hình thức có vẻ không khác nhau nhiều. Nhưng khi xem kỹ thì không phải. Thí dụ có hai nhà nhiếp ảnh có tiếng chụp hai ông già vùng núi. Cùng một địa phương, cũng núi rừng, sông suối nhưng hai ảnh sẽ khác nhau. Khác nhau ở đâu? Chúng ta phải đọc được cái bên trong của bức ảnh. Muốn đọc được cái sự bên trong ấy, không còn cách nào khác là phải học hỏi để nâng cao trình độ. Chứ mới xem qua bên ngoài đã đùng đùng “ tôi sẽ chụp chẳng kém gì” Riêng câu đó đã bộc lộ là lại mắc bệnh muốn chụp giống người ta rồi. Anh cũng sẽ chụp được ông già nước da nhăn nheo, cũng rừng, cũng suối, nhưng nhạt hoét.
Đấy là tình trạng phổ biến. Đi xem triển lãm ảnh toàn quốc mới thấy kinh hồn. cả triển lãm giống nhau , cứ như do một người chụp vậy.
Còn có những người muốn tránh giống người ta bằng cách có những “khám phá” mới. Nhưng thực ra họ lại bị giống những bức ảnh thời 1950. Hồi đó phương tây mới có trong tay một thiết bị ma thuật: Chiếc máy ảnh, họ đã tạo ra muôn vàn hình thức, chơi đủ kiểu kỹ thuật: Góc độ ấn tượng, tương phản cao. Ống kính mắt cá, lộ sang nhiều lần …v…v.. Bây giờ ai chụp cái kiểu đó mà không nói lên được điều gì đặc biệt thì ảnh trở lên hợm hĩnh , gương gạo.Thậm trí ảnh nhiều tính hù dọa và tự dối mình nhiều hơn tính nghệ thuật.
Vậy thói quen chụp sao cho giống người ta là bệnh tự ty và thiếu bản lĩnh. Có thể hình thức thì na ná nhưng còn lâu mới là bức ảnh tốt.
Thói quen thứ hai là: ÍT CHỊU ĐỌC.Tôi sợ đây là căn tính của người nước Việt. Bên tây không thế. Trước khi đi đâu, làm gì? Họ đều đọc tài liệu. Còn người mình …. đứng trước cái biển to tướng “cửa ra” vẫn chạy đi hỏi người khác đi ra lối nào. Khi đưa thuốc, bác sỹ dặn dò giống như “ Đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng” về nhà quên, gọi điện hỏi lại chứ không đọc hướng dẫn có ngay trong hộp thuốc..
Cái sự đọc đơn giản nhất mà còn thế thì đọc để tăng hiểu biết, đọc để rút ra bài học cho mình là vấn đề lớn rồi.
Rất tiếc một điều, tôi biết một số người chụp ảnh đã lâu năm, tức là họ không chỉ muốn chụp chơi mà họ muốn trở thành dân chuyên nghiệp, mà hiểu biết ( riêng phần kỹ thuật thôi) cũng còn sai trái nhiều lắm. Chắc là họ không đọc, chứ rửa ảnh hỏng , vấn đề kỹ thuật nó sai lè lè ra đấy mà vẫn “ Tôi thích thế”.
Đành rằng sách vở là từ thực tế mà ra . Nhưng sách vở quay lại phục vụ thực tế cơ mà. Vậy cũng vẫn phải đọc, thỉnh thoảng đọc thôi. Trên mạng họ dịch tiếng Việt nhiều lắm. Đọc để xem tại sao ông này chụp như vậy? tại sao lại nội dung này thì nên dùng tương phản này? bố cục này? Vân và vân vân.
Lại có người không có thói quen đọc chữ thì sao? Không sao cả ! Không đọc thì xem sách ảnh. Chỉ có điều xem kỹ một chút. Và phải biết sợ. Khi xem những bức ảnh đã được khẳng định mà mình không thấy hay thì mình phải tìm ai đó hỏi cho ra nhẽ chứ đừng “ Nó nổi tiếng nhưng tao… éo thấy hay…. ai cũng có quyền mà” Đúng vậy! Ai cũng có quyền. Nhưng hầu hết những tác giả nổi tiếng cũng đều “ éo thấy hay” thì là không biết học rồi.
Xem đi xem lại những quyển sách đó là cách học rất tốt.
Học ở trường đời sướng lắm. Muốn học lúc nào cũng được, không phải đến trường, lại có bao nhiều thứ làm thầy ta: Người giỏi này, bạn bè này. Rồi còn tư liệu, sách vở . cả một trời kiến thức. Lúc này đây là cơ hội hoàn hảo nhất. Học miễn phí nhiều nhất, tội gì không học.
Tôi viết bài này không hẳn chỉ để nói với người, tôi viết cả cho mình. Tôi cũng có có cả hai thói quen xấu đó. Nói ra rồi tôi sẽ không sợ nó nữa, hy vọng sẽ khắc phục được. Tôi chỉ sợ nhất cái điều giống như một ai đã nói: Người ta thường phàn nàn là Chúa bất công trong việc phân phối tiền bạc và danh tiếng. Người được nhiều quá, người ít quá. Nhưng không ai kêu ca về trí khôn cả. Bằng chứng là không ai thấy mình thiếu trí khôn. Người khiếm tốn nhất cũng nói: Gì chứ, cái này tôi biết rồi.
Hà Nội 8- 4 -2015