Ngày 28/12/1895 được lấy làm mốc đánh dấu sự ra đời của điện ảnh thế giới vì lẽ đó là buổi chiếu phim công khai với một chương trình phim ngắn tại Grand Cafe trên đại lộ Capucines, Paris. Anh em nhà Lumie’re đã linh cảm rằng phát minh của mình sẽ thu hút đông đảo người xem để doanh thu và họ đã đúng. Nhưng các tiến bộ kỹ thuật trước đó nhiều năm đã cho phép nhiều người cùng một lúc xem được các hình ảnh với chuyển động đúng như thực tế. Đó là các phát minh của Louis Le Printe (1842-1896), người chế tạo ra băng giấy nhạy sáng, Wiliam Friese-Grene (1855-1921) đã làm ra hệ thống chiếu hình ảnh tĩnh với tốc độ 4-5 hình/giây. Sáng chế của họ đã được Edison, Dickson và anh em nhà Lumie’re vận dụng sau đó. Tuy nhiên khái niệm về hình ảnh động đã có từ thực tiễn từ thuở chiếc đèn kéo quân bắt nguồn từ Trung Hoa, hay từ xa xưa hơn nữa là trò chơi dùng tay tạo bóng con vật trên tường để cha mẹ dỗ con trẻ … Điện ảnh từ chỗ là một sản phẩm của kỹ thuật đã trở thành một nghệ thuật với những thủ pháp tạo hình, ngôn ngữ kể chuyện cùng những đặc thù biểu hiện thời gian và không gian mà kỹ xảo là một trong những công cụ sắc bén của các nhà làm phim qua nhiều thế hệ.
Những người làm điện ảnh từ thuở sơ khai đến nay đều tôn vinh George Mésliès là ông tổ của kỹ xảo điện ảnh. Năm 1902 ra mắt bộ phim Chuyến du hành lên mặt trăng của ông còn được ghi nhận là năm ra đời kỹ xảo điện ảnh. Giá trị đóng góp của bộ phim này cho điện ảnh thế giới là kể lại câu chuyện về các nhà thám hiểm thời Vitorian lên cung trăng bằng nhiều thủ pháp kỹ xảo stop ation, lộ sáng hai lần, quay tốc độ cao và chậm, thủ pháp dừng hình, mờ chồng. Các cảnh quay được diễn ra trong một khung cảnh như sân khấu, máy quay tĩnh tại một vị trí, không có chuyển cảnh mà là các hồi kịch nối tiếp nhau. G Mésliès đã biết sử dụng phông vẽ, khói trong một phối cảnh khuôn hình để mô tả bộ mặt của mặt trăng lớn dần thay đổi, căm giận khi con tàu vũ trụ đáp xuống… Dù không ai phủ nhận Chuyến du hành lên mặt trăng (1902) của Mésliès cho đến nay vẫn được đánh giá là cái mốc quan trọng trong sự phát triển của điện ảnh thế giới, nhưng những cảnh quay kỹ xảo đầu tiên trước năm 1902 vẫn được kể đến.
Và vẫn phải kể đến George Mésliès khi ông bắt đầu làm phim tháng 9-1896 bằng chiếc máy quay của mình tự sáng chế. Một sự ngẫu nhiên do tay quay bị hỏng, phim bị tắc được lắp lại, đến khi chiếu thì sự kỳ diệu đã đến: chiếc xe bus biến thành chiếc xe tang và những người đàn ông đã biến thành những người đàn bà. Sự vô tình này chính là thủ pháp dừng hình (stop ation) của kỹ xảo. Theo Georges Sadoul trong cuốn Lịch sử điện ảnh thế giới, từ tháng 1 năm 1896 tại Grand Cafe của anh em nhà Lumie’re người ta đã chiếu ngược phim Phá một bức tường để có hiệu ứng hình ảnh một bức tường bị phá như lại được xây lại. Đây có thể nói là khởi thủy của thủ pháp kỹ xảo quay ngược phim mà một trong những người quay phim của anh em nhà Lumie’re đã thành công. Nhưng nếu nói đây là cảnh quay kỹ xảo đầu tiên trên thế giới (Theo một phó giáo sư tiến sỹ Việt Nam thuộc thế hệ trước tôi) thì rất không đúng. Bạn có thể xem thêm các thói xấu trong quay phim tại đây.
Cảnh quay phim kỹ xảo đầu tiên với thủ pháp dừng hình trong Bộ phim dài 18 giây của hãng Thomas Edison và đạo diễn Alfred Clark Cuộc hành quyết nữ hoàng Mary – The Execut of Mary Stuart. Phim cho thấy nữ hoàng Mary bịt mắt (do ông Robert L. Thomae, nam diễn viên trong Shakespeare-Tradition đóng thế cho nữ diễn viên) bị dẫn đến khối hành hình. Tên đao phủ giơ rìu lên …và diễn viên được thay thế bằng một người nộm. Đầu của người nộm bị chặt ra và tên đao phủ giữ nó trong không trung khi bộ phim kết thúc. Máy quay sẽ ngừng ghi hình nhưng vẫn giữ nguyên vị trí khi diễn viên được thay thế bằng hình nộm rồi mới quay tiếp. Kết nối hai lần quay lại thành một cảnh quay liên tục người xem sẽ không nhận ra và những khán giả cuối thế kỷ 19 khó có thể không biểu lộ phản ứng trước một cảnh hành hình rùng rợn ngay trước mắt mình. Bộ phim của Alfred Clark được sản xuất vào ngày 28 tháng 8 năm 1895, trước khi chiếu Lumiere tại Grand Café đúng bốn tháng.
Điện ảnh ra đời khi nào và cảnh quay kỹ xảo đầu tiên được thực hiện khi nào ? Các nhà phát minh ra điện ảnh trong khi khai phá nghệ thuật nghệ thuật non trẻ này đã không định ngày khai sinh cho nó. Họ chỉ viết tiếp ước mơ từ bao thuở trước, khám phá, minh họa lại bằng máy quay những bóng hình trên đèn kéo quân, hình bóng trên tường, trên sân khấu và biến chúng thành người thật, vật thật trong những câu chuyện cổ tích trên màn ảnh. Đến đây tôi muốn mượn lại câu của người đồng nghiệp gần gũi- nhà văn, đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn đã viết trong lời nói đầu cuốn sách Kỹ xảo điện ảnh mà chúng tôi cùng tham gia (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội xuất bản 11-2004) : – Bản chất của nghệ thuật điện ảnh ngay từ lúc phát minh ra vào cuối thế kỷ 19 đã chứa đựng khá đầy đủ yếu tố kỹ xảo.
Vậy kỹ xảo sẽ giúp các bạn rất nhiều trong việc chỉnh sửa video .
Tài liệu tham khảo:
Richard Rickitt, Kỹ xảo điện ảnh: Lịch sử và công nghệ Billboard Books, 2000
Georges Sadoul Lịch sử điện ảnh thế giới – NXB Ngoại văn Hà Nội và Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội 1989 (Bản dịch từ tiếng Pháp XB lần thứ 9 năm 1985)
Trần Hoàng Nhị, Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Thanh Hà, Kỹ xảo điện ảnh – Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội 11/2004